CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Giấy ủy quyền có bắt buộc phải công chứng không?

Hiện nay, Luật Công chứng 2014 không hề quy định bắt buộc trường hợp nào ủy quyền phải công chứng. Tuy nhiên, một số văn bản chuyên ngành lại yêu cầu cụ thể. Chẳng hạn, ủy quyền của vợ chồng cho nhau về việc thỏa thuận mang thai hộ phải lập thành văn bản có công chứng. Việc ủy quyền cho người thứ ba không có giá trị pháp lý (khoản 2 Điều 96 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).

Như vậy, hợp đồng ủy quyền không mặc nhiên phải công chứng mới có giá trị pháp lý trừ một số trường hợp bắt buộc.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính pháp lý của hợp đồng ủy quyền, có cơ sở pháp lý vững chắc để giải quyết các tranh chấp sau này, các bên có thể thỏa thuận công chứng hoặc chứng thực hợp đồng ủy quyền.

Trong trường hợp không bắt buộc công chứng, chứng thực và 02 bên không có điều kiện làm việc này thì có thể nhờ bên thứ 03 không liên quan đến quyền và lợi ích trong hoạt động ủy quyền ký xác nhận với vai trò là người làm chứng...

Lưu ý cần nắm rõ khi lập Giấy ủy quyền

- Phải viết đầy đủ thông tin 02 bên: ủy quyền và nhận ủy quyền để làm căn cứ cho người được ủy quyền thực hiện công việc được ủy quyền;

- Bắt buộc ghi rõ thời gian thực hiện ủy quyền để tránh việc lạm dụng ủy quyền ở thời điểm khác;

- Ghi rõ nội dung ủy quyền để người được ủy quyền không lạm dụng Giấy ủy quyền mà thực hiện công việc khác;

- Nên thỏa thuận rõ trách nhiệm trong trường hợp xảy ra tranh chấp;

- Nếu có căn cứ ủy quyền thì nên trình bày chi tiết để làm căn cứ hợp lý cho việc ủy quyền...

Giấy ủy quyền có thời hạn bao lâu?

Hiện nay, Bộ luật Dân sự 2015 không quy định cụ thể về giấy ủy quyền, mà quy định về ủy quyền thông qua hợp đồng.

Theo Điều 563 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định. Trường hợp không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.

Như vậy theo quy định trên thời hạn của hợp đồng ủy quyền được xác định trong ba trường hợp:

- Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận;

- Thời hạn ủy quyền do pháp luật quy định;

- Nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.

Hình thức của giấy ủy quyền thế nào?

Theo Bộ luật Dân sự hiện hành, vấn đề hình thức ủy quyền không được nêu ra, việc ủy quyền thế nào, bằng hình thức gì do luật chuyên ngành điều chỉnh.

Tuy nhiên, Giấy ủy quyền lại được ghi nhận tại nhiều văn bản khác, điển hình như:

- Tại khoản 1 Điều 107 Luật Sở hữu trí tuệ 2005:

Việc uỷ quyền tiến hành các thủ tục liên quan đến việc xác lập, duy trì, gia hạn, sửa đổi, chấm dứt, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ phải được lập thành giấy uỷ quyền

- Tại khoản 5 Điều 9 Thông tư số 15/2014/TT-BCA về đăng ký xe:

Người được ủy quyền đến đăng ký xe phải xuất trình Chứng minh nhân dân của mình; nộp giấy ủy quyền có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc xác nhận của cơ quan, đơn vị công tác.

Hình thức của Giấy ủy quyền có thể theo quy định của pháp luật hoặc do các bên thỏa thuận. Tuy nhiên, hiện nay không có văn bản nào quy định tập trung về hình thức của Giấy ủy quyền.

Trong một số trường hợp yêu cầu ủy quyền phải lập thành văn bản và có cả trường hợp yêu cầu văn bản ủy quyền phải được công chứng, chứng thực như: Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch theo quy định uỷ quyền cho người khác thực hiện thay, trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con.

Giấy ủy quyền và hợp đồng ủy quyền khác nhau thế nào?

Không ít người đang bị lẫn lộn giấy ủy quyền và Hợp đồng ủy quyền. Tuy nhiên, bản chất của 02 loại này hoàn toàn khác nhau.

Nếu như giấy ủy quyền chỉ được thừa nhận trong thực tế không có văn bản nào quy định cụ thể thì hợp đồng uy quyền được quy định rất rõ ràng tại Bộ luật Dân sự. Giấy ủy quyền là hành vi pháp lý đơn phương của bên ủy quyền và áp dụng nhiều trong trường hợp cấp trên ủy quyền cho cấp dưới thực hiện công việc thông qua giấy ủy quyền. Hợp đồng ủy quyền lại có sự thỏa thuận thống nhất ý chí giữa các bên.

Người được ủy quyền trong giấy ủy quyền không được ủy quyền lại. Tuy nhiên, đối với hợp đồng ủy quyền thì khác. Bên được uỷ quyền được uỷ quyền lại cho người thứ ba, nếu được bên uỷ quyền đồng ý hoặc pháp luật có quy định...

Điều quan trọng nhất là trách nhiệm của bên được ủy quyền. Sau khi giấy ủy quyền được lập mà bên nhận ủy quyền không thực hiện công việc thì bên ủy quyền cũng không có quyền yêu cầu bên nhận ủy quyền phải thực hiện, kể cả việc bồi thường thiệt hại.

Trong khi đó, hợp đồng ủy quyền quy định rõ ràng về nghĩa vụ của bên được ủy quyền, và nếu có thiệt hại thì phải bồi thường nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền...

Trên đây là mẫu Giấy ủy quyền mới nhất được sử dụng phổ biến. Mọi vấn đề vướng mắc bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được LuatVietnam hỗ trợ cụ thể.